Ngày 1-7, 130 xã, phường mới của Nghệ An đồng loạt vận hành mô hình chính quyền hai cấp trong không khí khẩn trương, nghiêm túc. Để chuẩn bị cho ngày vận hành đầu tiên, trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo rà soát cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng công nghệ và tổ chức tập huấn chuyên sâu cho hơn 2.000 cán bộ cấp xã.
Phường Thành Vinh là đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập các phường Quang Trung, Lê Lợi, Cửa Nam, Đông Vĩnh, Hưng Bình và Hưng Chính. Trong ngày đầu vận hành mô hình chính quyền hai cấp, hệ thống dữ liệu và hồ sơ của người dân, doanh nghiệp đã được tích hợp đầy đủ, góp phần đảm bảo quá trình vận hành diễn ra thông suốt. Ghi nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thành Vinh (tỉnh Nghệ An) trong ngày đầu triển khai mô hình mới cho thấy không khí làm việc khá nhộn nhịp. Đông đảo người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính, trong khi đội ngũ cán bộ luôn túc trực, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý hồ sơ một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đáng chú ý, Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An đã cử tổ công tác thường trực tại trung tâm để “tiếp ứng” trong những tình huống phát sinh, đảm bảo không để tồn đọng, ách tắc.
Không khí ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp tại phường Thành Vinh (Nghệ An) khẩn trương.
Cán bộ, công chức phường Thành Vinh túc trực hướng dẫn người dân.
Ông Lê Bá Hiển, người dân phường Thành Vinh đến giải quyết thủ tục đất đai và chế độ chính sách người có công, chia sẻ rằng dù mới là ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền hai cấp, nhưng ông đã cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt so với trước đây, nhất là thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức. Ông bày tỏ mong muốn, với mô hình mới, việc giải quyết các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện hơn, giúp người dân đỡ mất thời gian đi lại và chờ đợi.
Phường Trường Vinh (Nghệ An) là phường mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 7 phường, xã. Ông Dương Ngọc Linh, chuyên viên Trung tâm phục vụ hành chính công phường Trường Vinh cho biết: “Ngay trong buổi sáng đầu tiên, lượng người dân đến làm thủ tục khá đông nhưng các khâu tiếp nhận, giải quyết đều diễn ra thông suốt. Trước đó, trong đêm 30-6, phường còn cử cán bộ tham gia tập huấn để sẵn sàng cho ngày vận hành chính thức”.
Nhân viên bưu điện có mặt tại các Trung tâm hành chính công để tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân.
Người dân đến làm thủ tục hành chính trong ngày đầu tiên vận hành chính quyền hai cấp rất đông nhưng trật tự.
Không khí tất bật, khẩn trương trong ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp cũng diễn ra tại nhiều xã ở Hà Tĩnh, nơi có 69 đơn vị hành chính xã, phường đi vào hoạt động. Có mặt tại xã Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), lãnh đạo xã với các cuộc họp ngắn xoay tua, cán bộ chuyên môn liên tục di chuyển giữa các phòng để trao đổi nghiệp vụ, xử lý công việc tồn đọng và tiếp nhận phản ánh của người dân. Sáng nay, xã Nghi Xuân đã tổ chức buổi chào cờ đầu tiên và HĐND xã đã họp để thực hiện một số nội dung theo thẩm quyền, công bố các quyết định, thông qua nghị quyết và sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự và vận hành trung tâm hành chính công.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại xã Nghi Xuân (Hà Tĩnh) trong ngày đầu tiên vận hành chính quyền địa phương hai cấp.
Đồng chí Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND xã Nghi Xuân (trái) trực tiếp có mặt kiểm tra, nắm bắt tình hình giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công xã.
Xã Nghi Xuân được thành lập từ 5 đơn vị là xã Xuân Hồng, Xuân Lĩnh, Xuân Viên, Xuân Giang, thị trấn Xuân An sáp nhập lại. Dân số, diện tích mở rộng đồng nghĩa việc giải quyết thủ tục hành chính cũng tăng lên gấp nhiều lần. Đồng chí Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND xã Nghi Xuân chia sẻ: “Chúng tôi xác định đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng nên gần như toàn bộ cán bộ, công chức đều làm việc xuyên suốt, không có ngày nghỉ. Để mô hình chính quyền hai cấp vận hành trơn tru ngay từ những ngày đầu, xã đã chủ động triển khai nhiều bước chuẩn bị. Trung tâm hành chính công được chạy thử nghiệm trước đó hai tuần; các cán bộ, chuyên viên có kinh nghiệm được lựa chọn kỹ lưỡng; khuôn viên giao dịch cũng được bố trí lại hợp lý, tạo điều kiện thuận tiện tối đa cho người dân đến làm thủ tục.”
Cũng theo ông Vĩnh, địa phương đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức, vận hành trung tâm hành chính công. Các quầy giao dịch được sắp xếp lại khoa học; thiết bị, máy móc được huy động từ các xã cũ về; công tác tập huấn được triển khai đồng bộ, bài bản. “Tinh thần chung là không để sự thay đổi về tổ chức gây gián đoạn việc phục vụ nhân dân; không để xảy ra khoảng trống trách nhiệm giữa các cấp chính quyền”, ông nhấn mạnh.
Các cán bộ, công chức tại Trung tâm hành chính công xã Nghi Xuân là những người có kinh nghiệm, năng lực được lựa chọn từ các đơn vị.
Tại bộ phận một cửa xã Nghi Xuân, không khí làm việc diễn ra nghiêm túc, khẩn trương ngay từ đầu giờ sáng. Các cán bộ, công chức đều có mặt từ sớm trước giờ làm việc để rà soát lại quy trình, chuẩn bị hồ sơ và sẵn sàng hướng dẫn người dân hoàn thiện các mẫu biểu, đảm bảo không xảy ra sai sót trong quá trình tiếp nhận.
Thực tế tại Nghệ An, Hà Tĩnh cho thấy, hành trình “bắt nhịp” với mô hình chính quyền hai cấp còn nhiều thử thách nhưng đã và đang nhận được sự nỗ lực rất lớn từ cả hệ thống chính trị. Những bộn bề ban đầu sẽ dần được tháo gỡ với tinh thần cầu thị, chủ động linh hoạt, “vừa làm vừa chỉnh”, đáp ứng kỳ vọng của người dân về một nền hành chính phục vụ tinh gọn và hiện đại.
Bài và ảnh: HOA LÊ