Về nơi ghi dấu chân Người

Về nơi ghi dấu chân Người
6 giờ trướcBài gốc
Những ngày tháng Bác ở Tân Trào, với lối sống giản dị, gần gũi, bà con nơi đây đã quen với hình ảnh ông cụ mặc áo nâu, túi vải, tay chống gậy, chân đi đôi dép cao su, yêu thương dân hết lòng... Người dân yêu mến Bác, gọi Bác là Ông Ké cách mạng hay Ông Ké Tân Trào.
Lần ốm nặng của Bác
Từ chân núi Nà Nưa, chúng tôi men theo 79 bậc đá, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác để đến thăm lán Nà Nưa - một căn lán nhỏ, đơn sơ nằm ở sườn núi, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945.
Lán Nà Nưa đơn sơ, nằm dưới tán rừng rậm rạp, chính là nơi Bác Hồ ở và làm việc khi Người vừa từ Pác Pó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Khi đó, nhận định thời cơ giành độc lập đã đến rất gần, để thuận lợi cho việc trực tiếp lãnh đạo phong trào Cách mạng toàn quốc, Bác Hồ chỉ thị tìm một địa điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Và Tân Trào đã được chọn thể hiện sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Người.
Di tích lán Nà Nưa- nơi ở và làm việc của lãnh tụ Hồ Chí Minh tại tỉnh Tuyên Quang, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 /1945.
Lán Nà Nưa được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, quay theo hướng đông tây, có 6 cột gỗ chôn xuống đất, không có vì kèo, mái lợp lá cọ, lán dài 4,20m, rộng 2,70m, chia làm 2 gian nhỏ. Gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Cũng tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến Cách mạng Tháng Tám đã được Bác Hồ soạn thảo. Chứng kiến nơi ở và làm việc đơn sơ của Bác, chúng tôi ai cũng bồi hồi, xúc động. Nhất là khi nghe cô hướng dẫn viên trẻ Hoàng Thị Hương Ly kể lại cuộc sống giản dị của Người trong suốt thời gian làm việc ở đây. “Thời điểm Bác Hồ ở Nà Nưa, toàn bộ cánh rừng này đều là rừng nguyên sinh. Bác sống và làm việc tại đây vào thời điểm mùa mưa, muỗi và vắt rất nhiều. Sống trong điều kiện rất khắc nghiệt, gian khổ, thiếu thốn, với những bữa ăn đạm bạc chỉ có măng rừng chấm muối, cơm chan nước chè xanh..., sức khỏe Bác giảm sút. Giữa lúc tình hình cách mạng đang tiến triển có lợi cho quân và dân ta, Bác Hồ đột nhiên bị ốm “thập tử nhất sinh”, lúc tỉnh lúc mê khiến mọi người vô cùng lo lắng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc ấy đang ở và làm việc tại gia đình ông Hoàng Trung Dân, dưới làng Tân Lập, xã Tân Trào, hằng ngày lên lán Nà Nưa báo cáo tình hình công việc với Bác. Thấy Bác yếu, đồng chí xin phép ở lại với Bác", chị Hương Ly kể.
Tân Trào là cái nôi của cách mạng, nơi đã vinh dự được Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm Thủ đô lâm thời khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến. Với nhiều điểm di tích lịch sử, trong đó có nhiều điểm di tích gắn liền với những năm tháng hoạt động cách mạng của Đảng, Bác Hồ như lán Nà Nưa, đình Hồng Thái, đình Tân Trào... Tân Trào đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn của du khách khắp nơi trên cả nước. Ngày 22/12/2017, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào đến năm 2030, với diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 2.500ha.
“Cuối tháng 7/1945, Bác bị ốm nặng với những cơn sốt cao, những cơn ho dai dẳng khiến nhiều lúc mệt lả, mê man, nhưng mỗi khi tỉnh lại Người cố gượng dậy làm việc. Thuốc men khan hiếm, chỉ với vài viên thuốc cảm và ký ninh không thể giúp Bác khỏi ốm. Trước tình hình đó, các cán bộ, chiến sĩ và người dân ai nấy đều lo lắng, có người vào rừng tìm lá thuốc về sắc nước, có người ra sông bắt được con ba ba đem về cắt tiết nhỏ vào rượu cho Bác uống và cầu mong Bác mau khỏi bệnh, nhưng sức khỏe Bác chẳng khá lên chút nào. Đêm ấy, tỉnh dậy sau cơn sốt, mặc dù rất mệt nhưng Bác vẫn không phút nào quên sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, chị Hương Ly xúc động cho biết.
Ngay hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp cử người báo cáo tình hình sức khỏe của Bác với trung ương và tìm người chữa bệnh. Nhờ sự mách bảo của nhân dân, có một cụ lang già người Tày không biết từ đâu đến xin chữa bệnh cho Bác. Sau khi xem mạch, sờ trán Bác, ông vào rừng tìm về một thứ củ đem đốt cháy lên và hòa vào cháo loãng cho Bác ăn. Sau một vài lần như thế, Bác đã khỏi bệnh và tiếp tục làm việc... Nói về vị thầy lang này, người hướng dẫn viên cho biết, sau này, đã có rất nhiều người được phân công nhiệm vụ đi tìm ông, nhưng vẫn không tìm được, cũng như đến nay vẫn không ai biết được vị thuốc đã chữa bệnh cho Bác trong những ngày ốm nặng.
Quyết định táo bạo về thời cơ cách mạng
Cùng với lán Nà Nưa - nơi ở của Bác, còn có lán Đồng minh, lán Điện đài, lán Cảnh vệ, lán Họp hội nghị toàn quốc của Đảng... Mỗi địa danh, mỗi con suối, cây rừng, ngôi nhà đều gắn với một sự kiện lịch sử, một câu chuyện về Bác Hồ và những người ưu tú của dân tộc đã chỉ ra đường lối kháng chiến đi đến thắng lợi. So với cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, 3 tháng mà Người sống và làm việc tại Tân Trào là khoảng thời gian khá ngắn. Nhưng chính tại mảnh đất này, Bác Hồ đã đưa ra những nhận định đúng đắn, quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng.
Đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi dâng hương tại Di tích đình Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Cô hướng dẫn viên tiếp tục đưa chúng tôi đến với đình Tân Trào, nơi Quốc dân Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn, trong đó điểm đầu tiên là phải "Giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập" và lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội cũng quy định Quốc ca, Quốc kỳ, lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ làm lá cờ chung của cả nước. “Sáng ngày 17/8/1945, Ủy ban dân tộc giải phóng ra mắt Quốc dân Đại hội và làm lễ tuyên thệ. Hôm đó, đường rất lầy lội, Bác Hồ phải đi chân đất từ lán Nà Nưa đến đình Tân Trào. Gần tới đình, Bác xuống suối rửa chân rồi lên đứng giữa các vị đại biểu trong Ủy ban dân tộc giải phóng và Bác đọc lời tuyên thệ: Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng, để lãnh đạo cuộc Cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước. Xin thề! Xin thề!...”, chị Hương Ly kể.
Chụp ảnh lưu niệm trước đình Tân Trào.
Từ đây, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi trong cả nước. Chỉ 2 ngày sau (19/8/1945), Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh dấu sự thành công của cách mạng Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hình ảnh và tấm gương sáng về đức hy sinh trong thời kỳ Người ở và làm việc tại Tân Trào luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Để rồi hôm nay, mỗi khi có dịp đặt chân đến vùng đất này, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động và thầm hứa với lòng phải tiếp tục nỗ lực học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Bài, ảnh: THANH THUẬN - Ý THU
Nguồn Quảng Ngãi : https://baoquangngai.vn/ve-noi-ghi-dau-chan-nguoi-52737.htm