Vun đắp tình yêu nước cho con
Những ngày này, mạng xã hội tràn ngập những dòng trạng thái như: “Em bé yêu nước”, “Mẹ dạy con về lòng yêu Tổ quốc”, “Bé đến thăm lăng Bác” kèm những hình ảnh các bé mặc áo dài cầm cờ đỏ sao vàng, có bé mặc đồ bộ đội rất đỗi đáng yêu.
Những nụ cười tươi tắn, ánh mắt ngây thơ của các em bé làm nức lòng người lớn. Chụp ảnh cho con cái theo chủ đề mừng ngày Giải phóng miền Nam cũng là cách để các bậc phụ huynh vừa truyền thụ tinh thần yêu nước cho trẻ vừa cảm nhận được tình yêu đó rõ ràng hơn, thấm thía hơn khi ngắm biểu cảm của con.
Có thể bây giờ các bé còn quá nhỏ, chưa hiểu gì nhưng sau này xem lại ảnh sẽ cảm nhận được tấm lòng mà bố mẹ gửi gắm, biết bố mẹ luôn muốn mình lớn lên với lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong tim.
Thu Hà, sống tại Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ câu chuyện thú vị về 2 bạn nhỏ: “Hai bạn nhà mình còn bé nhưng lúc nào cũng thích hỏi về lịch sử ngày xưa các cụ đấu tranh thế nào rồi bảo: "Các ông bà khổ mẹ nhỉ. Con nhìn thương quá".
Hà cho biết, mỗi dịp lễ, Hà thường kể những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc ta để các con hiểu được thế hệ trước đã hi sinh vất vả thế nào để con được sống trong hòa bình. Cô khuyên các con muốn thể hiện tinh thần yêu nước thì phải học thật giỏi, sống biết ơn. Thường các dịp kỉ niệm 30/4 hay 2/9 Hà đều cho con đi tham quan lăng Bác và các địa điểm khu di tích lịch sử để ít nhiều vun đắp tình yêu nước cho con.
Thu Hà thường đưa 2 con đi thăm lăng Bác, bảo tàng lịch sử để vun đắp tình yêu nước cho con
Cách đây không lâu, câu chuyện của người mẹ dạy con về lá cờ Tổ quốc vô cùng cảm động nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ. Người mẹ kể, để chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9, trong lúc loay hoay phụ bố mẹ treo cờ, đứa con trai 5 tuổi đã hỏi: “Mẹ ơi, tại sao phải treo cờ?”. Thế là, câu chuyện trước giờ đi ngủ của gia đình đó thay vì cổ tích, kỹ năng sống đã thành câu chuyện về lá cờ Tổ quốc. Đó là máu, là nước mắt của bao nhiêu người ngã xuống, để con được học hành, được ôm mẹ vào lòng, bình yên ngày hôm nay.
“Con sẽ biết rằng, lá cờ treo trong ngày này để nhớ về một thời điểm thiêng liêng - Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn dân đồng bào, với bè bạn năm châu rằng: Chúng ta là một quốc gia độc lập”, người mẹ nói với con trai.
Tình yêu nước được nuôi dưỡng từ sự tử tế, lòng biết ơn
Nhiều phụ huynh cho rằng lòng yêu nước là khái niệm trừu tượng, khó dạy cho trẻ. Về điều này, TS. Quách Thu Quế, chuyên gia Tâm lý – Giáo dục cho rằng tình yêu đất nước không phải điều gì xa vời mà bắt đầu từ sự gắn kết với những gì gần gũi nhất.
“Trẻ cần cảm nhận được vẻ đẹp quê hương qua bữa cơm gia đình, câu chuyện ông bà kể, hay những chuyến dã ngoại cuối tuần. Ví dụ, khi đưa con đi thăm Văn Miếu, cha mẹ có thể giải thích đơn giản: "Nơi này đã đào tạo ra nhiều người tài giúp nước ta mạnh lên, con thấy tự hào không?". Cứ thế, tình yêu sẽ ngấm vào trẻ một cách tự nhiên”, chuyên gia Thu Quế nói.
TS. Quách Thu Quế, chuyên gia Tâm lý – Giáo dục
Tuy nhiên, nếu các con "buộc" phải thấm nhuần một cách khô khan thì chỉ là cách tiếp thu “cho có”. Trong khi, trẻ từ 3 đến 9 tuổi phát triển rất nhanh về thể chất và tinh thần. Chúng bắt đầu có những ấn tượng và hiểu biết riêng về thế giới, hình thành những khuôn mẫu hiểu biết của riêng mình và thậm chí phản ánh điều này qua tính cách, hành vi của mình.
“Cha mẹ không nên áp đặt việc trẻ phải có lòng yêu nước hoặc biến điều này thành nghĩa vụ. Một em bé 5 tuổi không cần hiểu khái niệm "hy sinh cho Tổ quốc" nhưng có thể học cách yêu thương qua việc yêu thương những người thân hay giúp đỡ, chia sẻ với bạn cùng lớp.
Tình yêu nước phải được nuôi dưỡng từ sự tử tế, lòng biết ơn và niềm vui, không phải từ nỗi sợ hay sự ép buộc”, TS. Thu Quế cho hay.
Theo TS. Thu Quế, người lớn không thể nuôi dưỡng tình yêu nước bằng cách bắt trẻ hô vài khẩu hiệu, đọc các bài báo yêu nước, hát quốc ca… mà cần được lồng ghép vào từng lời nói, hành động trong đời sống hàng ngày. Nó phải được đến một cách tự nhiên nhất và được bồi đắp qua sách vở, âm nhạc, thơ ca và từ chính trải nghiệm của mỗi người trên mảnh đất mình sinh sống.
Thay vì ép con học thuộc các mốc thời gian, hãy kể về những con người thật. Ví dụ: "Ngày xưa, chị Võ Thị Sáu khi mới ở độ tuổi thanh thiếu niên, chỉ hơn con 3 tuổi, đã dũng cảm đấu tranh vì dân tộc. Con nghĩ xem, chị ấy đã can đảm thế nào?".
Bố mẹ có thể cùng con "làm đẹp" quê hương thông qua những việc như xả rác đúng nơi quy định, nhặt rác ở công viên, trồng cây xanh, dạy con tiết kiệm điện, nước… Những việc này giúp trẻ hiểu yêu nước là hành động, không chỉ là lời nói.
Bên cạnh đó, bố mẹ lan tỏa văn hóa Việt bằng cách cho con mặc áo dài đi chùa đầu năm, cùng con treo cờ vào những ngày lễ lớn của đất nước, học gói bánh chưng, hoặc cùng con nghe và học các làn điệu dân ca. Khi trẻ hiểu cái hay của văn hóa mình, các con sẽ tự tin và trân trọng nó.
Chuyên gia Quách Thu Quế nhấn mạnh, để giáo dục con về lòng yêu nước, ngôn ngữ là "chìa khóa" giữ gìn bản sắc.
“Dù ở đâu, bố mẹ hãy duy trì thói quen nói tiếng Việt ở nhà, kể cả khi con trả lời bằng tiếng nước ngoài. Hay là tổ chức "ngày Việt Nam" mỗi tuần: Cả nhà cùng nấu phở, xem phim Việt, nghe nhạc Việt, ví dụ như khuyến khích con tập vũ đạo học đường theo bài “Việt Nam ơi”. Hoặc là kể cho con nghe về họ hàng, quê nội quê ngoại: "Ở quê mình có cánh đồng lúa vàng óng, mỗi mùa hè về bà thường hái sen…”, nói chung là những câu chuyện sâu đậm trong ký ức bố mẹ, chúng sẽ là sợi dây vô hình gắn con với Tổ quốc”, chị nói.
Yêu nước trước hết là dạy con gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Những đứa trẻ Việt phải có một nền tảng cơ bản về ngôn ngữ mẹ đẻ để tránh hòa tan. Là dù con có học Đông học Tây, thành thạo bao nhiêu ngoại ngữ thì vẫn không quên nâng niu tiếng nước mình.
Tâm hồn, suy nghĩ trẻ con có thể chưa hiểu hết ý nghĩa, những gì được thấy, được nghe. Nhưng có lẽ, tình yêu nước sẽ lớn lên cùng với những bài học mà bố mẹ dạy từ ngày hôm nay.
“Như có câu: "Hãy dạy con yêu nước bằng chính tình yêu của bạn". Khi cha mẹ sống trách nhiệm với cộng đồng, trân trọng từng hạt gạo, kể cho con nghe về quá khứ hào hùng của dân tộc… trẻ sẽ tự khắc lớn lên với lòng tự hào dân tộc”, chuyên gia Thu Quế nói.
Thùy Linh