Báo cáo nhấn mạnh sức phục hồi ấn tượng của nền kinh tế sau giai đoạn ảm đạm năm 2023, khi nhu cầu bên ngoài bùng nổ, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ với mức tăng 15,5% trong năm 2024.
Bên cạnh thành tựu trong xuất khẩu, lĩnh vực bất động sản cũng cho thấy dấu hiệu khởi sắc nhờ lãi suất vay mua nhà hấp dẫn và sự gia tăng nguồn cung dự án mới, tạo đà cho sự bùng nổ đầu tư tư nhân trong nước. Những động lực này đã góp phần cải thiện đáng kể thị trường lao động, khi ngành chế biến chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng việc làm 3,4% vào tháng 11/2024 — một sự đảo ngược so với mức giảm 2,3% của cùng kỳ năm trước. Thu nhập thực tế cũng tăng 4,8%, vượt xa mức 1,3% của năm 2023, mặc dù tỷ lệ tiết kiệm vẫn duy trì ở mức cao 37,2% trong năm 2024.
GDP thực tế của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2025.
Báo cáo của WB cũng nhấn mạnh tính nhạy cảm của nền kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế định hướng xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 170% GDP - trước những biến động toàn cầu. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm tới 30% tổng kim ngạch, trong khi Trung Quốc tiếp tục là nguồn nhập khẩu chính với tỷ lệ 38%. Điều này khiến Việt Nam gặp nhiều rủi ro từ những thay đổi bất lợi trong chính sách thương mại quốc tế.
Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng, niềm tin tiêu dùng trong nước có thể tiếp tục bị ảnh hưởng, kéo theo mức chi tiêu nội địa duy trì ở mức thấp. Bên cạnh đó, các rủi ro trong lĩnh vực tài chính vẫn hiện hữu, khi việc thực hiện các biện pháp kích cầu có thể gặp cản trở do tình trạng giải ngân đầu tư công chậm trễ, dù Chính phủ vẫn còn dư địa tài khóa để hỗ trợ.
Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng những yếu tố bên ngoài như sự thay đổi bất lợi trong chính sách thương mại, tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm hơn dự kiến và mức độ bất định cao về chính sách quốc tế—có thể làm chậm đà xuất khẩu và dòng đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Dù đối mặt với không ít thách thức, báo cáo cho thấy tỷ lệ nghèo tại Việt Nam vẫn xu hướng giảm. Cụ thể, tỉ lệ người sống dưới mức 3,65 USD/ngày (chuẩn nghèo nhóm thu nhập trung bình thấp) được dự báo giảm từ 3,8% năm 2024 xuống còn 3,6% trong năm 2025. Tuy nhiên, sự chững lại của tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp có thể hạn chế hiệu quả giảm nghèo đối với nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị rằng trong bối cảnh hiện nay, các chính sách sắp tới cần tập trung mở rộng đầu tư công, đặc biệt là trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng và giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn trong lĩnh vực tài khóa.
Song song với đó, cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm củng cố khả năng chống chịu và ổn định của hệ thống tài chính. Dù không gian can thiệp của chính sách tiền tệ còn hạn chế, chính sách tài khóa vẫn được đánh giá là công cụ chủ chốt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt sau những bước tiến trong việc sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong hệ thống tài chính.
Trong triển vọng trung hạn, WB dự báo rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,1% năm 2026 và 6,4% năm 2027. Để hiện thực hóa những tiềm năng này, các chuyên gia nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tạo dựng một môi trường kinh tế quốc tế ổn định hơn, đồng thời thúc đẩy các cải cách nội bộ nhằm nâng cao năng suất, đầu tư phát triển nguồn nhân lực và hướng tới nền kinh tế xanh.
H.A