Thí sinh trong giờ thi môn ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: INT
Khi tìm hiểu văn bản văn học, người tiếp cận vấn đề nhất thiết phải hiểu rằng: Nhà văn sáng tác theo loại thể thì người đọc cũng cảm thụ theo loại thể và giáo viên giảng dạy, học tập cũng phải theo như vậy.
Sự cảm thụ đối với một tác phẩm tự sự, trữ tình, kịch không phải là hoàn toàn giống nhau. Bởi đây là ba phương thức cơ bản của sự cấu tạo hình tượng. Như vậy, người tiếp cận xác định đúng loại thể trong quá trình đọc - hiểu văn bản văn học sẽ tìm thấy đúng con đường khám phá văn bản.
Thể loại văn bản tự sự
Trước hết, khi xác định được thể loại văn bản tự sự (truyện, kí) thì chúng ta sẽ nắm biết được các yếu tố cơ bản của nó là: nhân vật, sự kiện, cốt truyện, điểm nhìn... Và như vậy, người đọc sẽ có những nền tảng cơ bản để hiểu, giải mã nội dung, thông điệp của tác phẩm tốt hơn.
Chẳng hạn, với nhân vật - hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm, được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ, người đọc sẽ hiểu rằng nhân vật văn học là một hình tượng nghệ thuật ước lệ, được nhận ra bởi nhiều dấu hiệu khác nhau. Các dấu hiệu bao gồm: Tên, diện mạo, hành động, cử chỉ, ngôn ngữ, số phận. Tất cả tạo nên tính cách, mang tính khái quát rất cao: Chị Dậu (rách rưới, khổ sở), Chí Phèo (say rượu, ăn vạ), Từ Hải (oan ức)...
Nhân vật có vai trò hết sức quan trọng. Chức năng cơ bản của nó là miêu tả và khái quát các loại tính cách xã hội, đưa người đọc vào thế giới khác nhau của đời sống. Ngoài ra, nhân vật còn có chức năng biểu hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về thế giới con người, chức năng tạo nên mối liên hệ giữa các sự kiện trong tác phẩm, tạo ra cốt truyện.
Tiếp đến, người đọc nắm vững sự kiện và cốt truyện - là những hành vi, việc làm của nhân vật hay sự việc xảy ra đối với nhân vật dẫn đến hậu quả làm biến đổi hay bộc lộ một ý nghĩ nào đó thì cũng góp phần giúp người đọc rút ra được nhiều ý nghĩa sâu sắc từ tác phẩm. Ví dụ, Kiều cùng các em đi chơi xuân, gặp mộ Đạm Tiên, sau đó gặp Kim Trọng và yêu chàng. Đây là hai sự kiện có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời Kiều.
Văn bản văn học tự sự phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó - qua con người, hành vi, sự kiện, được kể lại bởi một người kể chuyện nào đó thì khi tiếp cận sẽ phải có đường hướng đọc - hiểu riêng.
Tất nhiên, một văn bản tự sự cũng giống như bất kì một văn bản nào khác, đòi hỏi phải được đọc - hiểu toàn diện, cặn kẽ, đúng hướng. Nhưng điều đặc biệt của văn bản thuộc thể truyện như “Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài là cấu tạo hình tượng phải dựa vào ba yếu tố: tình tiết, nhân vật, lời kể. Vì thế cho nên khi đọc - hiểu cấu tạo hình tượng của văn bản tự sự phải lưu tâm đến 3 yếu tố này.
Nhân vật Chí Phèo trong phim 'Làng Vũ Đại ngày ấy' được sản xuất năm 1982 dựa trên ba truyện ngắn Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Ảnh: INT
Thể loại văn bản trữ tình
Còn với những văn bản thơ trữ tình như “Thơ duyên” của Xuân Diệu, “Sóng” của Xuân Quỳnh khi đọc - hiểu cũng cần có phương pháp, biện pháp đặc biệt. Trong đó, chú ý đến hình tượng thơ, là qua hình thức để giảng nội dung, qua việc tìm hiểu các yếu tố về loại thể, kết cấu, ngôn ngữ để làm sống dậy hình tượng với tất cả vẻ đẹp, chiều sâu của nó.
Mặt khác, khi xác định được thể loại văn bản trữ tình (tiêu biểu là thơ) thì cần chú ý âm, vần, thanh, sự trùng điệp âm hưởng.
+ Tài cao, phận thấp, chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương (Tản Đà): bằng - trắc
+ Yêu nhau, tam tứ núi cũng trèo
Thập bát sông cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua
Cách ngắt nhịp, thể lục bát biến thể, điệp âm, vần, thanh, âm hưởng trúc trắc… tác giả dân gian đã cụ thể hóa những khó khăn, trắc trở mà đôi trai gái phải vượt qua khi đi theo tiếng gọi của tình yêu. Mỗi thể thơ có một cách gieo vần, ngắt nhịp riêng. Cần nắm được quy luật của nó mới có thể đọc hay được. Thể thơ truyền thống: Lục bát; Lục bát biến thể; Song thất lục bát; Thất ngôn. Thơ hiện đại: Thơ 8 chữ; Thơ tự do; Thơ văn xuôi…
Sau đó, hình tượng ngôn ngữ trong tác phẩm: bao gồm biểu tượng, hình ảnh, nhịp điệu, nhạc điệu, tu từ, ẩn dụ, mỉa mai… cũng là những chìa khóa giúp người đọc mở cánh cửa cấu tứ của bài thơ, đồng thời cũng cần chú ý những câu thơ mang tư tưởng tác giả, câu thơ nhấn mạnh, có nội dung quan trọng.
Nhân vật chị Dậu trong bộ phim cùng tên được đạo diễn Phạm Văn Khoa chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Ảnh: INT
Thể loại kịch
Đọc hiểu văn bản kịch, người đọc cần nắm vững các khái niệm cơ bản như xung đột kịch, hành động kịch và ngôn ngữ kịch.
Xung đột kịch là mâu thuẫn vận động, phát triển ngày càng gay gắt, căng thẳng cho tới tình thế đòi hỏi phải giải quyết bằng một kết cục nào đó. Đây là đặc trưng quan trọng của kịch so với các thể tự sự, trữ tình... Kịch được xây dựng dựa trên cơ sở những mâu thuẫn lịch sử, xã hội hoặc những xung đột muôn thuở mang tính nhân loại như giữa thiện và ác, cao cả và thấp hèn, ước mơ và hiện thực...; có xung đột bên ngoài và xung đột bên trong.
Hành động kịch là sự cụ thể hóa của xung đột kịch, đó là sự tổ chức cốt truyện với các tình tiết, sự kiện, biến cố theo một diễn biến logic, chặt chẽ, nhất quán. Hành động kịch thường dồn dập, gấp gáp, quyết liệt. Hành động kịch thường được thực hiện bởi các nhân vật kịch.
Cuối cùng, người đọc cần thấy được vai trò của ngôn ngữ kịch. Các nhân vật được xây dựng bằng ngôn ngữ (lời thoại) của họ. Qua lời thoại, tính cách nhân vật, những vấn đề, những mâu thuẫn cũng như cuộc sống xã hội hiện dần lên. Ngôn ngữ kịch mang tính hành động, thường mang tính tranh luận, biện bác gần gũi với đời sống (súc tích, dễ hiểu, mang tính khẩu ngữ); có các loại ngôn ngữ: đối thoại, độc thoại, bàng thoại.
Sự “giao thoa” của các thể loại
Hiện nay, việc xác định “chất của loại” trong quá trình tìm hiểu văn bản văn học nói chung chưa được tiến hành thấu đáo. Ví dụ, nếu như một số truyện ngắn giàu chất trữ tình nhưng lại được tìm hiểu như một truyện ngắn tự sự bình thường thì sẽ không khai thác được chiều sâu tác phẩm.
Khi tìm hiểu tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam cần hiểu thi pháp của nhà văn như sau: Thạch Lam có một lòng thương người sâu sắc. Tâm hồn ông được dệt bằng muôn sợi tơ mỏng mà chỉ cần một làn gió thổi nhè nhẹ sẽ làm tất cả rung động. Thạch Lam là nhà văn trân trọng sự sống và sự sáng tạo. Bao trùm lên những trang văn là một tiếng nói da diết, một niềm trắc ẩn mênh mông, thấm thía dành cho những kiếp người nhọc nhằn, bất hạnh trên mảnh đất này.
Thạch Lam là nhà văn xuôi trữ tình. Truyện ngắn của ông là truyện ngắn trữ tình. Văn Thạch Lam sinh ra để hòa giải các khuynh hướng hiện thực - lãng mạn. Văn Thạch Lam sinh ra là để hòa giải về thể loại. Thạch Lam viết những truyện ngắn giàu chất thơ. Có thể nói đó là chất riêng của Thạch Lam: một thi sĩ trong bộ dạng nhà văn xuôi.
Tâm hồn ông giàu lòng trắc ẩn, nắm bắt được những biến thái mong manh, mơ hồ, hư ảo trong cảm xúc. Trong nghề văn, Thạch Lam có sở trường sử dụng ngôn ngữ giàu nhịp điệu, đồng thời là nhà văn mang trong mình nhịp điệu vũ trụ, mà nhịp điệu là hình thức của xúc cảm, là tinh chất của xúc cảm.
Tìm hiểu “Hai đứa trẻ” phải nhận thức được vấn đề: yếu tố cốt truyện bị giải thể khiến các yếu tố khác ùa vào. Phân tích tình huống truyện phải hiểu rằng văn Thạch Lam không có tình huống hành động, cũng ít có tình huống nhận thức mà chủ yếu là tình huống tâm trạng.
Nhân vật của ông là kiểu nhân vật giàu tình cảm, có đời sống nội tâm sâu sắc, gọi chung là kiểu nhân vật duy cảm. Như vậy khi đọc - hiểu tác phẩm “Hai đứa trẻ” phải nắm được những kiến thức tối thiểu về thi pháp tư tưởng cũng như phong cách văn Thạch Lam. Điều đó giúp chúng ta xác định “Hai đứa trẻ” là tác phẩm trữ tình cho dù nó là truyện.
Mỗi tác phẩm văn chương đều tồn tại dưới một hình thức loại thể nhất định đòi hỏi những phương pháp, cách thức tìm hiểu phù hợp với nó. Hiểu được thế nào là thể truyện, thể kí, thể thơ... đã là điều kiện tốt thâm nhập vào tác phẩm nhưng phải làm sao hiểu được cặn kẽ thế nào là loại tự sự, loại trữ tình, loại kịch... điều đó sẽ giúp chúng ta đọc - hiểu tác phẩm được sâu sắc, tinh tế hơn.
Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc, Nghi Lộc - Nghệ An)