Xây dựng cơ chế ngăn chặn trục lợi chính sách nhà ở xã hội

Xây dựng cơ chế ngăn chặn trục lợi chính sách nhà ở xã hội
7 giờ trướcBài gốc
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tổ sáng 21-5. Ảnh: Như Ý
Cần mở rộng đối tượng thuê nhà ở xã hội
Đại biểu Nguyễn Hữu Đàn (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, dự thảo Nghị quyết là một bước tiến quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới để đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở của người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, vì tính chất mới và có tầm ảnh hưởng lớn, chúng ta cần đặt ra những cảnh báo về nguy cơ phát sinh các kẽ hở trong quá trình thực thi. “Tôi đề nghị dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng các cơ chế phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, vừa bảo vệ tài sản của Nhà nước, vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực thi Nghị quyết”, đại biểu bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đàn cũng đề nghị bổ sung một nội dung hết sức thiết thực đó là mở rộng đối tượng thuê nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức tại các địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính. Việc này giúp cán bộ, công chức ổn định nơi cư trú, yên tâm cống hiến.
Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận), các dự án nhà ở xã hội phần lớn đều được hưởng những ưu đãi rất lớn về đất đai, tài chính, thuế, hạ tầng… Do đó, việc xác định giá bán, giá thuê mua phải gắn liền với trách nhiệm giải trình rõ ràng, minh bạch và có sự giám sát nhất định từ phía Nhà nước.
“Tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 8, theo hướng phân loại dự án để áp dụng cơ chế định giá phù hợp; bổ sung nghĩa vụ công khai cơ cấu giá theo hướng chủ đầu tư phải niêm yết giá bán, giá thuê mua, kèm theo bảng chi tiết các chi phí cấu thành, lợi nhuận định mức, ưu đãi được hưởng, để người dân và cơ quan chức năng cùng giám sát. UBND cấp tỉnh cần xây dựng bảng giá chuẩn, làm cơ sở đối chiếu với giá mà chủ đầu tư đề xuất; quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm hoàn trả chênh lệch giá sau kiểm toán; ứng dụng công nghệ số để giám sát định giá”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất.
Kiến nghị bổ sung các quy định về Quỹ nhà ở quốc gia
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhận định, dự thảo Nghị quyết có nhiều điểm rất tiến bộ, đó là bỏ các quy định về thẩm định, phê duyệt dự án khả thi, tiền khả thi, chủ trương quy hoạch...
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: Như Ý
Về Quỹ nhà ở quốc gia, đại biểu Hoàng Văn Cường rất đồng tình là phải thành lập quỹ này. Đặt vấn đề tiền của quỹ này lấy đâu ra, theo đại biểu, đối với các dự án nhà ở thương mại có quy định phải dành quỹ đất 2% làm nhà ở xã hội, nếu chủ đầu tư không làm ở nhà xã hội thì có thể nộp số tiền có giá trị tương đương với diện tích đất làm ở nhà xã hội vào Quỹ nhà ở quốc gia.
Cũng quan tâm đến việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định về Quỹ nhà ở quốc gia chưa thể hiện rõ cơ quan quản lý, mô hình tổ chức hoạt động, nguồn thu, nhiệm vụ chi. “Do đó, cần bổ sung và làm rõ các nội dung quy định về Quỹ nhà ở quốc gia. Nghị quyết cần quy định đầy đủ các nội dung mang tính chất khung để làm cơ sở cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận ở tổ. Ảnh PV
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, nếu thành lập quỹ ở cả Trung ương và địa phương thì cần phân định chức năng, nhiệm vụ của quỹ ở từng cấp để bảo đảm việc huy động nguồn lực và thực hiện nội dung chi cho phù hợp theo từng cấp độ. Đặc biệt, ngoài tạo lập quỹ nhà ở xã hội, Quỹ nhà ở quốc gia còn có chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập “nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê”, tức là không phải nhà xã hội. Việc đưa ra quy định này cần làm rõ đối tượng nhà ở cho công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê, bởi quy định này không xác định được loại hình nhà ở nào theo pháp luật nhà ở.
Góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý, nguồn lực, cơ chế sử dụng, trách nhiệm quản lý quỹ và quỹ này phải được thanh tra, kiểm toán đầy đủ nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực.
Cũng theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết cần bổ sung đánh giá tác động, bởi đây là chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là người dân. Ngoài ra, theo đại biểu, về quy trình, đi đôi với đơn giản hóa thủ tục cần đưa ra các điều kiện cụ thể. Ví dụ, khi một dự án nhà ở xã hội được áp dụng quy trình rút gọn như không thông qua đấu thầu mà thực hiện chỉ định thầu thì cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan chỉ định thầu. Về đối tượng thụ hưởng, cần có tiêu chí rõ ràng lựa chọn đối tượng thụ hưởng và có trật tự ưu tiên để tránh lợi dụng chính sách. Mỗi chính sách về nhà ở xã hội phải trúng, đúng và đến được với người xứng đáng được thụ hưởng.
Cũng trong phiên thảo luận tổ sáng 21-5, các đại biểu Quốc hội đã góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công...
Đỗ Chí
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/xay-dung-co-che-ngan-chan-truc-loi-chinh-sach-nha-o-xa-hoi-702993.html