Xây dựng thương hiệu cà phê Arabica Sơn La

Xây dựng thương hiệu cà phê Arabica Sơn La
7 giờ trướcBài gốc
Vùng chuyên canh cà phê phường Chiềng Cơi.
Xây dựng vùng chuyên canh
Cà phê Arabica được trồng tại Sơn La từ những năm 1990, hiện có khoảng 24.300 ha, sản lượng năm 2025 ước tính 37.724 tấn cà phê nhân. Đến ngày 30/6/2025, tỉnh xuất khẩu 17.800 tấn cà phê nhân, đạt giá trị 69,98 triệu USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2024, chiếm gần 70% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Thị trường chính gồm EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và ASEAN.
Ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, cho biết: Đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy, Công ty liên kết 1.600 hộ, với tổng diện tích 2.000 ha trồng theo chương trình chứng nhận Rainforest Alliance (Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững); 690 hộ xây dựng 30 vườn mẫu chất lượng cao.
Xây dựng vùng chuyên canh cà phê bền vững, ngày 1/3/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 331/QĐ-UBND về Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường; ngày 11/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 863-KL/TU về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030. Mục tiêu đến 2025, giá trị cà phê chiếm 6-8% tổng giá trị xuất khẩu ngành trồng trọt, xuất khẩu trên 25.000 tấn cà phê nhân sang Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và Nam Mỹ, đạt giá trị gần 100 triệu USD; 30% cà phê quả tươi được chế biến công nghiệp, 5% sản lượng chế biến sâu.
Cà phê thô xuất khẩu của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: với mục tiêu thu hút đầu tư chế biến sâu, định hướng nâng tầm thương hiệu cà phê, cuối năm 2022, tỉnh công nhận 2 vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại 18 bản, ở xã Chiềng Mai, Mường Chanh, diện tích 1.039 ha với 1.560 hộ tham gia. Diện tích cà phê đạt chứng nhận 4C, RA là 23.448 ha, VietGAP 141 ha, hữu cơ 543,7 ha, cấp 1 mã số vùng trồng 36,8 ha, duy trì 5 chuỗi cà phê 2.160 ha.
Sản phẩm cà phê Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, 8 tổ chức được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”. Tỉnh có 5 sản phẩm cà phê OCOP, gồm: sản phẩm cà phê bột nguyên chất HTX Cà phê Bích Thao đạt tiêu chuẩn 5 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao, gồm: Aratay Coffee, Coffee Arabica Minh Trí, trà vỏ cà phê HTX Cà phê Bích Thao, cà phê rang xay của Công ty TNHH Cà phê Sơn La.
Sản phẩm cà phê của HTX Aratay Coffee, xã Chiềng Mai.
Bà Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Aratay Coffee, xã Mường Chanh, cho biết: HTX có 14 thành viên, 70 ha cà phê, liên kết với hàng trăm hộ. Sản phẩm Aratay Coffee đạt OCOP 4 sao được sản xuất theo quy trình khép kín, đạt chuẩn 4C. Hiện nay, HTX sản xuất 4 sản phẩm, gồm: Cà phê nhân xanh Natural, cà phê bột, cà phê mật ong và trà cascara.
Toàn tỉnh có 28 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, chế biến cà phê, với 5 cơ sở chế biến công nghiệp, đáp ứng 50% nhu cầu chế biến cà phê quả tươi. Các cơ sở chú trọng xử lý chất thải, sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm, góp phần bảo vệ môi trường.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đoàn công tác thăm mô hình trồng cà phê THA1 của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Sơn La.
Thách thức và mục tiêu
Sơn La là tỉnh có diện tích cà phê Arabica lớn nhất cả nước, nhưng cây cà phê đang đối mặt thách thức thời tiết khắc nghiệt, sương muối, cà phê già cỗi, sản xuất chưa thích ứng biến đổi khí hậu và chuỗi giá trị thiếu gắn kết.
Trước yêu cầu đặt ra, tỉnh đã tổ chức các hội thảo nâng cao chất lượng cà phê, hội nghị kết nối giao thương, với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ trồng và chuyên gia, đưa ra nhiều giải pháp tái canh cà phê già cỗi.
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia tái canh, ghép cải tạo và phát triển cà phê bền vững. Nhiều dự án, chương trình hỗ trợ tái canh cà phê được triển khai. Tiêu biểu, Dự án “Xây dựng mô hình tái canh cà phê Arabica, đào tạo nông dân và các hỗ trợ khác về sản xuất cà phê Arabica, nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” do tổ chức GIZ tài trợ.
Triển khai Dự án, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương khảo sát, lựa chọn 17 hộ thực hiện điểm trình diễn tái canh 10 ha cà phê bằng giống THA1; cấp 350.000 cây giống cà phê THA1, 1.000 cây mắc ca, gần 55 tấn phân hữu cơ vi sinh, 10 tấn vôi bột và thuốc xử lý nấm Trichoderma hỗ trợ các hộ trồng tái canh 25,7 ha cà phê xen cây mắc ca tại các địa phương.
Bà Ngần Thị Minh Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh, cho biết: Các mô hình trình diễn với giống cà phê THA1 cho thấy hiệu quả rõ rệt, khả năng sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao và chống chịu sâu bệnh vượt trội. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, quản lý sản xuất và kinh doanh cà phê, giúp nông dân thay đổi nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới sản xuất cà phê bền vững, hiệu quả.
Vườn cà phê THA1 của HTX Cà phê Bích Thao Sơn La.
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, chia sẻ: Từ năm 2019, chúng tôi thử nghiệm giống THA1. Hiện nay, HTX có 600 ha cà phê THA1, liên kết với hàng trăm hộ dân các địa phương, với diện tích gần 1.000 ha, cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất cà phê đặc sản phục vụ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo thống kê, toàn tỉnh đã tái canh, đốn trẻ hóa và ghép cải tạo ước đạt 2.818 ha với các giống cà phê TN1, TN2, THA1, trong đó, diện tích trồng tái canh trên 1.200 ha, diện tích ghép, đốn cải tạo trên 1.600 ha; có 1.120 ha cà phê đặc sản.
Bà Hà Thị Hồng, xã Chiềng Mai, chia sẻ: Nhờ hỗ trợ của tỉnh và hợp tác xã, gia đình tôi thực hiện tái canh diện tích cà phê già cỗi bằng phương pháp đốn tỉa, trồng giống mới THA1, chăm sóc cà phê theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Năng suất vườn cà phê sau tái canh cho sản lượng tăng 20%. Với 3 ha, thu hơn 50 tấn cà phê tươi/năm, đạt 300 triệu đồng.
Sơn La đặt mục tiêu đến 2030, có 25.000 ha cà phê, sản lượng 40.000 tấn cà phê nhân; tái canh 9.800 ha; phát triển 5.950 ha cà phê đặc sản; 18.000 ha đạt tiêu chuẩn bền vững; duy trì chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”. Tăng diện tích cà phê hữu cơ, đặc sản, đạt tiêu chuẩn chất lượng 70-80%; tỷ lệ hái cà phê chín đạt 80-90%; 80% cà phê quả tươi chế biến công nghiệp, 20% sản lượng chế biến sâu. Xuất khẩu đạt 80-85% sản lượng, trong đó, 20-25% là cà phê chế biến sâu, 15-20% tiêu thụ nội địa.
Chế biến cà phê hòa tan sấy thăng hoa túi giấy của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao.
Bà Cầm Thị Phong thông tin: Để đạt mục tiêu, tỉnh ta đẩy mạnh cơ giới hóa, thu hút đầu tư chế biến sâu, hỗ trợ vốn và chứng nhận cho nông dân, doanh nghiệp. Tiếp tục xúc tiến đầu tư, ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường.
Cà phê Arabica Sơn La không chỉ xóa đói, giảm nghèo, mà đã trở thành cây công nghiệp chủ lực, mang lại thu nhập cao cho nông dân, từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ cà phê thế giới.
Minh Thu
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/kinh-te/xay-dung-thuong-hieu-ca-phe-arabica-son-la-jNzENKyHg.html