Vì vậy, dù thuận lợi hay khó khăn, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản Việt Nam luôn trong tâm thế ứng phó để giữ thị trường bền vững.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Theo ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ chia sẻ, Mỹ không thể sản xuất tất cả mà vẫn phải nhập từ nước ngoài. Hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh lớn là một điều có lợi cho Mỹ. Có một điều quan trọng là Việt Nam không phải là đối tượng hay đối thủ để Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự muốn trừng phạt bằng thuế quan, bởi ông Trump sẽ muốn hai bên đạt được thỏa thuận thông qua đối thoại và đàm phán.
Chính vì điều này, Việt Nam đàm phán có lợi song phương như có thể mua những hàng hóa Mỹ muốn bán và Việt Nam có nhu cầu, phù hợp với túi tiền như máy bay dân dụng, khí hóa lỏng hay nông sản... Ở chiều ngược lại, Mỹ vẫn có thể mua của Việt Nam những hàng hóa Mỹ không sản xuất; trong đó có sản phẩm nông sản.
Thế nhưng, liên quan thương mại, điều quan trọng hàng đầu không phải là việc chỉ giảm thâm hụt mà việc cần nhấn mạnh là sự minh bạch và công bằng. Chính phủ Việt Nam đã luôn nhấn mạnh việc minh bạch về xuất xứ hàng hóa và trên thực tế đã làm rất nghiêm túc. Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng cũng là điều mà Mỹ rất quan tâm.
Trên góc độ nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam, điển hình là các loại trái cây vào thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group chia sẻ, ngành hàng rau quả tiến vào thị trường Mỹ vẫn rất thuận lợi, trước mắt chưa có gì bất thường về vấn đề thuế quan nhập khẩu. Những sản phẩm rau củ quả xuất xứ Việt Nam hiện đã tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng, bảo quản do thị trường Mỹ đưa ra, trừ khi các đơn vị xuất khẩu có sử dụng nguyên, phụ liệu dùng chế biến có xuất xứ từ Trung Quốc mới phải kê khai, truy xuất nguồn gốc.
Chứng minh cho điều thuận lợi của nông sản Việt Nam vào thị trường Mỹ thuận lợi, hồi đầu tháng 2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, nhằm áp thuế hàng hóa nhập khẩu để giải quyết khủng hoảng nhập cư và buôn lậu fentanyl.
Cụ thể, sắc lệnh mới sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của Canada và Mexico, 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Hàng hóa đang trong quá trình vận chuyển đến Mỹ trước mốc thời gian này sẽ không bị ảnh hưởng. Với những hàng hóa có liên quan phụ kiện nhập khẩu từ quốc gia khác, nhất là phụ kiện nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, ít nhiều cũng sẽ có tác động đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, Việt Nam và Mỹ có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nên dù có tác động bởi chính sách thuế mới của Mỹ nhưng chắc chắn quá trình xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ vẫn sẽ được thúc đẩy.
Chẳng hạn như với mặt hàng cá tra, hồi cuối tháng 1/2025, Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận quan trọng, chấm dứt tranh chấp kéo dài về thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa phile của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ; trong đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được đưa ra khỏi danh sách áp thuế chống bán phá giá.
Tương tự, ngành hàng hạt điều Việt Nam cũng chưa có dấu hiệu gặp khó khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, nguồn nguyên liệu hạt điều của Việt Nam từ châu Phi, Campuchia, không có nguyên liệu xuất xứ từ các quốc gia thuộc sắc lệnh Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế của Mỹ. Vì vậy, ngành hàng hạt điều vẫn được xem là nằm trong vùng an toàn với các đạo luật về thuế mới của Mỹ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Tuy thuận lợi là vậy, nhưng biến động thị trường luôn khó lường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chuẩn bị tinh thần cùng doanh nghiệp ứng phó những biến động này. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương thúc đẩy mở cửa thị trường mới, nhất là thị trường Halal, đồng thời duy trì tốt những thị trường truyền thống, tránh việc phụ thuộc vào 1 hoặc 2 thị trường nhất định.
Quả thanh nhãn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN
Để đạt được mục tiêu này, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cần chuẩn bị vùng trồng, vùng nuôi một cách kỹ lượng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để có vùng nguyên liệu minh mạch, rõ ràng. Mỗi thị trường đều có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng nhưng nếu sản xuất đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc chắc chắn sẽ luôn tìm thấy cơ hội. Ngành nông nghiệp Việt Nam phải nhìn nhận một thực tế rằng, càng ra biển lớn càng khó khăn, nhưng càng khó khăn càng phải nỗ lực để giữ vững thị trường trên cơ sở tổ chức sản xuất tốt theo hướng kinh tế xanh.
Hồng Nhung (TTXVN)