Chính phủ đề nghị lập 6 bộ mới sau sắp xếp, không tổ chức HĐND cấp xã ở các đô thị

Chính phủ đề nghị lập 6 bộ mới sau sắp xếp, không tổ chức HĐND cấp xã ở các đô thị
3 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp
Ngày 5-2, tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đầu nhiệm kỳ này, Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ; trong đó giữ ổn định 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 04 cơ quan ngang bộ.
Hiện nay, thực hiện việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là cần thiết để bộ máy mới nhanh chóng ổn định, đi vào hoạt động ngay.
Về phương án cơ cấu tổ chức, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.
Cụ thể, thành lập Bộ Tài chính trên cơ sở hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
Thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải.
Thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ LĐ-TB&XH.
Thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thành lập Bộ Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ LĐ-TB&XH sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội (riêng nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy chuyển sang Bộ Công an) từ Bộ LĐ-TB&XH sang Bộ Y tế; chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ LĐ-TB&XH sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc hiện nay, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ và bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân tộc…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận
Cũng tại phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền đại phương (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận là về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Chính phủ đề xuất dự thảo luật quy định mô hình theo hướng: Mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại quận của TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng cho tất cả các quận của thành phố trực thuộc trung ương.
Cùng với đó, mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại phường của thành phố Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng cho tất cả các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (riêng tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô).
Theo đó, đối với đơn vị hành chính đô thị thì tại thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị trấn: tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm có HĐND và UBND.
Tại quận, phường, xã thuộc đô thị (gồm: thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương.
Đối với đơn vị hành chính nông thôn thì tại tỉnh, huyện, xã (trừ xã thuộc đô thị) tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm có HĐND và UBND…
Tiến Hưng
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/chinh-phu-de-nghi-lap-6-bo-moi-sau-sap-xep-khong-to-chuc-hdnd-cap-xa-o-cac-do-thi-post602669.antd