Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình với việc sửa đổi Luật và nhận định đây là những đổi mới mạnh mẽ, cần thiết, đáp ứng nguyện vọng đông đảo cử tri. Tuy nhiên, đại biểu nêu một số vấn đề, nội dung cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn để tạo thống nhất trong nhận thức, hành động và để cử tri giám sát thực hiện.
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu tại hội trường.
Đại biểu cho rằng vấn đề công chức, viên chức vào hoặc ra khỏi hệ thống, xã cũng sẽ giống như tỉnh, trung ương, hiện nay ở các cấp trên đang thực hiện tương đối ổn định và tới đây sẽ tiếp tục đổi mới để tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đánh giá vào, ra theo vị trí việc làm với các điều kiện tiêu chuẩn cụ thể, minh bạch. Việc chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp trên cơ sở sẽ không có vướng mắc lớn.
Tuy nhiên, đối với cấp cơ sở, cơ chế hiện hành đang cho phép cán bộ trưởng thành từ thực tiễn hoạt động phong trào ở dưới cơ sở có thể tham gia vào bộ máy hệ thống chính trị cơ sở; chuyển từ cán bộ đoàn thể, Đảng ở thôn, cán bộ bán chuyên sang cán bộ cấp xã và ngược lại. Về vấn đề này đại biểu nêu băn khoăn, dự thảo Luật dự kiến sẽ hòa nhập, liên thông các cấp, vậy thì có còn cơ chế, cơ hội nào cho đội ngũ này tham gia vào hệ thống không? Hay là khóa chặt, muốn vào hệ thống thì đi thi từ đầu? Trong trường hợp người chưa phải công chức, viên chức trúng cử vào vị trí cán bộ cấp xã, hết nhiệm kỳ có sang công chức được không? Cơ chế nào? Liệu có khiếm khuyết khi chỉ quan tâm bằng cấp, thi cử mà không coi trọng những nhân tố kinh nghiệm, thực tiễn, bỏ qua nguồn nhân lực cũng rất chất lượng, đang phát huy vai trò ở cơ sở hiện nay? Nếu không còn sự liên thông cán bộ đảng, đoàn thể cấp thôn với cán bộ công chức cấp xã, liệu có dẫn tới nguy cơ hành chính hóa, không sát phong trào quần chúng, nhân dân, xa rời thực tiễn, của các cơ quan đảng, mặt trận, đoàn thể nói riêng và hệ thống chính trị cơ sở nói chung? Đây là vấn đề cần thận trọng làm rõ!
Mặt khác, cán bộ, công chức, viên chức khi đã vào hệ thống thì có thể xem là hòa nhập chung, dễ dàng chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, địa phương này sang địa phương khác, cấp này sang cấp khác… Như vậy yếu tố chất lượng đầu vào ở một đầu mối tuyển dụng có thể ảnh hưởng đến chất lượng chung của cả hệ thống. Luật Tổ chức chính quyền địa phương dự kiến giao quyền tuyển dụng công chức cho cấp xã; như vậy có bảo đảm được chất lượng đồng đều khi có hàng nghìn hội đồng tuyển dụng ở các xã?
Về vị trí việc làm và ngạch công chức, theo đại biểu dự thảo luật qui định chưa thực sự mạch lạc. Tại khoản 5, Điều 5 về giải thích từ ngữ đã định nghĩa: Ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về trình độ chuyên môn của công chức. Khoản 4 điều này quy định về vị trí việc làm là công việc gắn với ngạch công chức. Như vậy, ngạch là thước đo trình độ chuyên môn của cá nhân. Mỗi vị trí việc làm đòi hỏi công chức có trình độ tối thiểu, là mức ngạch đưa ra; muốn vào vị trí việc làm này thì công chức phải có ngạch tối thiểu ở mức đó và lương trả căn cứ ngạch tối thiểu này. Nếu cá nhân có trình độ ngạch thấp hơn thì không thể vào vị trí việc làm đó; nếu có ngạch bằng hoặc cao hơn thì vào được vị trí, lương thì chỉ hưởng ở mức ngạch tiêu chuẩn qui định cho vị trí việc làm đó.
Đại biểu dẫn chứng ví dụ: Chức Phó Vụ trưởng yêu cầu ngạch chuyên viên chính. Vậy chỉ ai có ngạch từ chuyên viên chính trở lên mới có thể làm ứng viên cho vị trí việc làm này. Tôi là chuyên viên cao cấp, nếu tôi chấp nhận làm việc của phó Vụ trưởng, thì tôi cũng chỉ được hưởng lương chuyên viên chính, chứ không thể đòi hỏi trả lương chuyên viên cao cấp. Tuy nhiên, tại Điều 28, mục 2, 3, 4 của dự thảo Luật quy định “Công chức được bổ nhiệm vào ngạch” sau khi được tuyển dụng vào vị trí việc làm; như vậy chưa phù hợp, phải có đủ tiêu chuẩn ngạch bậc quy định cho vị trí đó thì mới được xem xét bố trí vào việc làm đó; trong khi đó dự thảo quy định sau khi đã vào vị trí việc làm, vị trí lãnh đạo, quản lý thì được xem xét bổ nhiệm vào ngạch.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu cho rằng cán bộ, công chức cần được đánh giá để xếp vào ngạch tương đương với trình độ, năng lực, phẩm chất mà họ có; có thể qua thi, có thể xét, hoặc bằng cách nào đó để đánh giá khách quan (không nên bỏ cơ chế thi nâng ngạch). Khi rõ ngạch thì mới bố trí việc làm. Việc làm đó yêu cầu ngạch bằng hoặc thấp hơn ngạch mà cán bộ, công chức, viên chức hiện có. Lương trả theo công việc với mức ngạch quy định cho vị trí việc làm.
Đánh giá về chủ trương “xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời”, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng đây là định hướng đúng, để có vào, có ra, có chỗ cho nhân tố mới tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần thể chế hóa và bổ sung chính sách phù hợp để giữ chân cán bộ có năng lực, phẩm chất trong hệ thống chính trị và có chính sách động viên, khích lệ cán bộ, công chức gắn bó suốt đời với bộ máy hệ thống chính trị nếu họ của đủ phẩm chất, trình độ, tâm huyết đáp ứng yêu cầu.
Xuân Hà