Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số

Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số
2 ngày trướcBài gốc
GS-TS. Trần Thọ Đạt, nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Ông đánh giá thế nào về vai trò của kinh tế số đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới?
Kinh tế số không chỉ là động lực tăng trưởng mới, mà còn là động lực đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới. Tại các diễn đàn quốc tế, gặp gỡ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định, nền kinh tế Việt Nam chuyển hướng sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường.
Giữa kinh tế số và tăng trưởng xanh có mối quan hệ biện chứng, muốn tăng trưởng xanh buộc phải dựa vào kinh tế số, kinh tế tri thức. Đây không phải là sự lựa chọn, mà là bắt buộc. Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam đứng trước cơ hội bứt phá với mục tiêu đầy tham vọng là đạt tốc độ tăng trưởng GDP 2 con số. Để hiện thực hóa mục tiêu này, kinh tế số được xem là động lực then chốt, không chỉ tạo ra giá trị gia tăng lớn, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tăng năng suất lao động và mở rộng không gian phát triển mới cho nền kinh tế quốc dân.
Nhận thức rất rõ vai trò của kinh tế số trong phát triển kinh tế, Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến lĩnh vực này, thưa ông?
Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW. Hai văn bản quan trọng này khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đồng thời cũng nhìn nhận, mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0 của nước ta còn thấp; thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập; cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nghị quyết số 52-NQ/TW cũng chỉ ra rằng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động, do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp...
Để khắc phục những hạn chế này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia Phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022), xác định bối cảnh hiện nay là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.
Quyết định 411/QĐ-TTg đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP và năm 2030 đạt 30% GDP. Ông đánh giá thế nào về khả năng đạt được những mục tiêu này?
Những năm gần đây, nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính số, công nghệ thông tin và các mô hình kinh doanh số đã và đang tạo ra ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trở thành hạt nhân của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Thống kê, trong giai đoạn 2020-2024, nhiều ngành có mức tăng trưởng vượt trội về kinh tế số, như nông nghiệp số tăng hơn 20%, bưu chính - chuyển phát tăng 30%, thương mại điện tử tăng hơn 14%...
Trên thế giới hiện nay vẫn chưa có khái niệm chung về kinh tế số. Do khái niệm, nội hàm để xác định kinh tế số của Việt Nam khác với các khái niệm, nội hàm về kinh tế số của các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới, nên theo tính toán của Cục Thống kê, năm 2024, kinh tế số mới đóng góp 13,17% vào GDP. Tuy nhiên, nếu tính toán theo khái niệm rộng hơn như một số tổ chức quốc tế và nhiều nước trên thế giới, thì quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2024 chiếm khoảng 18% GDP. Vì vậy, tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm nay và 30% vào năm 2030 cũng không khó.
Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế số của Việt Nam có đảm đương được trách nhiệm là mũi nhọn của nền kinh tế?
Kinh tế số bao gồm 3 hợp phần chính.
Thứ nhất là các ngành kinh tế số thuần túy như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, tài chính số, viễn thông, vốn đã phát triển nhanh trong những năm gần đây.
Thứ hai là các ngành truyền thống đang được số hóa mạnh mẽ, như nông nghiệp thông minh, sản xuất công nghiệp ứng dụng Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), dịch vụ bán lẻ trực tuyến.
Thứ ba là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số như kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ và dịch vụ theo nhu cầu.
Đặc điểm nổi bật trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam là vai trò chủ động và định hướng của Nhà nước. Khác với mô hình kinh tế số tự phát triển từ thị trường như ở Mỹ hay châu Âu, Nhà nước Việt Nam giữ vai trò trung tâm trong việc hoạch định chính sách, ban hành khung pháp lý, đầu tư hạ tầng và dẫn dắt chuyển đổi số trong cả khu vực công và tư. Chính phủ chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, giáo dục, y tế, giao thông và nông nghiệp, nhằm tạo ra hệ sinh thái số đồng bộ, từ đó thúc đẩy hiệu quả quản trị công và tăng năng suất xã hội. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, bảo hiểm, thuế, doanh nghiệp… là những ví dụ tiêu biểu cho chiến lược “lấy dữ liệu làm nền tảng” đang được triển khai mạnh mẽ.
Việt Nam đang đẩy mạnh số hóa nền kinh tế, số hóa xã hội, số hóa quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và tại tất cả bộ, ngành; đầu tư thỏa đáng phát triển hạ tầng, trong đó phát triển mạng 5G và đang nghiên cứu 6G…, tạo nền tảng để kinh tế số trở thành chỗ dựa vững chắc, tạo động lực để GDP tăng trưởng 2 con số vào giai đoạn tới.
Mạnh Bôn
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/dong-luc-tang-truong-moi-tu-kinh-te-so-d338298.html