Dự án Mekong Salt Lab hỗ trợ thiết thực cho ĐBSCL

Dự án Mekong Salt Lab hỗ trợ thiết thực cho ĐBSCL
3 giờ trướcBài gốc
TS Phạm Kim Long thảo luận với chuyên gia Hà Lan về triển khai các mô hình thử nghiệm về quản lý nước của dự án MSL - Ảnh: T.T.N.B
Mekong Salt Lab (MSL) là chương trình dự án được tài trợ bởi Vương quốc Hà Lan và tổ chức Nuffic. Dự án tập trung vào 3 nhóm đối tượng chính: nông dân tại ĐBSCL, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nông nghiệp.
Các đơn vị nòng cốt tham gia dự án bao gồm: The Water Agency (Hà Lan) - đơn vị có kinh nghiệm quản lý và vận hành các dự án xã hội tại khu vực Đông Nam Á; doanh nghiệp xã hội Kim Delta (Việt Nam) - chuyên tư vấn về hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững của các mô hình sinh kế cho người dân vùng ĐBSCL; Trường đại học Trà Vinh - là đơn vị quản lý dự án trực tiếp tại Việt Nam và cung cấp các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển sinh kế khu vực ĐBSCL bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Ngoài ra, dự án cũng nhận được sự tham gia tích cực từ các đối Hà Lan khác: Trường đại học Khoa học ứng dụng Saxion; Trường đại học Khoa học ứng dụng HZ; các công ty Salt Doctor, SkillED và The Acacia Water.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim - Ảnh: V.K.K
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, Trà Vinh) cho biết: “Tôi tham gia dự án MSL từ 2023 tới nay. Khi tham gia chương trình này, tôi được tập huấn để biết cách ứng phó BĐKH, các kỹ thuật canh tác thuận thiên - thích ứng với BĐKH. Từ đó tôi tận dụng những kiến thức đã được tập huấn để thực hành trồng những rau màu, cây trồng phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Qua dự án tôi học được các cách sử dụng nước sạch, an toàn, thu trữ nước mưa, xử lý nước mưa qua các hệ thống và uống nước tại vòi qua thiết bị lọc nước. Đồng thời trong quá trình làm mô hình với các thầy cô, tôi biết thêm về cách trồng rau thủy canh. Hệ thống này giúp tiết kiệm nước, không phải tốn công tưới rau mỗi ngày. Tại điểm du lịch của tôi mỗi tuần có 200 - 250 khách, trong đó khách lưu trú nghỉ qua đêm từ 25 - 30 khách. Từ khi tham gia chương trình dự án đến bây giờ, tôi không cần phải mua rau mà trồng rau thủy canh để cung cấp cho khu du lịch”.
Các chuyên gia đến từ Hà Lan và Trường đại học Trà Vinh trao đổi các phương pháp thiết kế và bố trí các mô hình tại cộng đồng - Ảnh: V.K.K
Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, sau khi dự án có kết quả thực tế, bà muốn nhân rộng để góp phần đưa lợi ích của dự án đến với cộng đồng.
"Khu du lịch của tôi tham gia dự án 8 người (bao gồm nhân viên). Nhờ dự án giờ này mà giờ khu vực của tôi có thể trồng rau quanh năm (khu vực Cồn Chim, 6 tháng ngọt và 6 tháng mặn), kể cả mùa nước mặn. Tận dụng nước mưa với thiết bị lọc, tôi có nguồn nước mưa đảm bảo an toàn để uống và sử dụng cho các nhu cầu sinh hoạt", bà kể.
Ông Gregor Van Essen, Giám đốc công ty về nước tại Hà Lan The Water Agency - Giám đốc Dự án Mekong Salt Lab chia sẻ: "Mục tiêu của Mekong Salt Lab là phát triển hơn nữa chuyên môn về giảm thiểu và thích ứng với độ mặn, bao gồm các khía cạnh như quản lý và tái sử dụng các nguồn nước ngọt, lập kế hoạch tổng hợp và thích ứng; chuyển giao kiến thức chuyên môn liên ngành cho nông dân, trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích ứng nhanh và hiệu quả trước thách thức của nhiễm mặn; tạo điều kiện trao đổi kiến thức và thúc đẩy các nỗ lực hợp tác với các bên liên quan ở địa phương và các đối tác quốc tế; tạo ra một nền tảng hợp tác bền vững trong hỗ trợ vùng đồng bằng phát triển xanh và bền vững. Thông qua các hoạt động này, Mekong Salt Lab không chỉ giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với xâm nhập mặn mà còn hướng đến phát triển bền vững cho khu vực".
Người dân làm việc trên vườn rau thủy canh thí điểm - Ảnh: V.K.K
Ông Daniel Coenraad Stork - Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM kỳ vọng Mekong Salt Lab là dự án thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ Hà Lan và chính phủ Việt Nam, đồng thời có thể hỗ trợ phát triển bền vững ĐBSCL trước thách thức của BĐKH thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế để nâng cao kỹ thuật nông nghiệp và đẩy mạnh chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm; giúp nông dân tiếp cận với công nghệ trong việc quảng bá, bán hàng trực tuyến qua sàn giao dịch điện tử, dự báo thời tiết và các dịch vụ khí hậu tiên tiến.
Ông Gregor Van Essen, Giám đốc Công ty về nước tại Hà Lan The Water Agency - Giám đốc Dự án MSL chia sẻ về các mục tiêu của dự án - Ảnh: T.T.N.B
Dự án MSL cung cấp thông tin chi tiết về mức độ xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu trong khu vực, giúp các địa phương có cơ sở để đề ra các biện pháp ứng phó hiệu quả. Dự án cũng sẽ hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang các giống cây trồng thích ứng mặn năng suất cao và đáp ứng nhu cầu thị trường; các phương pháp canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ, tái sử dụng tiết kiệm nước, năng lượng tái tạo từ đó nâng cao năng suất và chất lượng nông sản đồng thời giảm thiểu phát thải, ít tác động đến môi trường.
TS Phạm Kim Long cho biết: “MSL tổ chức các khóa tập huấn và hội thảo cho nông dân và các bên liên quan về quản lý tài nguyên nước, kỹ thuật canh tác trong điều kiện xâm nhập mặn. MSL cũng tạo ra các mạng lưới giữa các nông dân, tổ chức phi chính phủ và cơ quan nhà nước để chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và thực tiễn tốt nhất. Dự án triển khai các mô hình thử nghiệm về quản lý nước, cải thiện đất và tổ chức sản xuất nhằm tạo ra các mô hình thành công từ các hộ nông dân tiên tiến sau đó có thể nhân rộng mô hình. MSL thông qua phương pháp học tập kinh nghiệm và vận dụng hiệu quả từ các hộ dân tham gia trong chương trình đến cộng đồng.
Dự án Mekong Salt Lab có vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, đặc biệt là phát triển các mô hình canh tác nông nghiệp, bền vững, thông minh, giảm thiểu phát thải trong bối cảnh xâm nhập mặn, hạn hán và BĐKH ngày càng khắc nghiệt”.
Văn Kim Khanh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/du-an-mekong-salt-lab-ho-tro-thiet-thuc-cho-dbscl-224778.html