Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách về năng lượng

Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách về năng lượng
một ngày trướcBài gốc
Nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra
Chiều 31.3, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025.
Toàn cảnh Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025. Ảnh: Vũ Quang
Tại đây, TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như đáp ứng sự thay đổi mang tính chiến lược về phương thức hoạt động (gồm từ học tập, lao động, sản xuất) chủ yếu dựa trên nền tảng số, đòi hỏi các nguồn lực phục vụ cho quá trình này phải có những điều chỉnh và hoạch định phù hợp và hiệu quả hơn. Một trong những nguồn lực có tính nền tảng và huyết mạch, đó chính là điện năng và các nguồn năng lượng xanh, sạch. Đáp ứng yêu cầu cấp bách phục vụ các mục tiêu phát triển, nhu cầu điện năng đã được các cơ quan quản lý và các chuyên gia tính toán cần phải tăng từ 12 đến 16% mỗi năm. Điều này đòi hòi cần có sự điều chỉnh trong các chiến lược và quy hoạch phát triển điện và các nguồn năng lượng.
Cùng với Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đã ban hành Luật Điện lực sửa đổi năm 2024, đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và đang tiếp tục cập nhật Quy hoạch cho phù hợp với bối cảnh mới. Theo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước giai đoạn đến 2030 (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) khoảng 183.291 - 236.363MW, tăng thêm 27.747 - 80.819MW so với Quy hoạch điện 8. Quy hoạch điện 8 điều chỉnh cũng nâng tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện mặt trời), nguồn điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, điện địa nhiệt, lưu trữ và nguồn điện linh hoạt, đặc biệt là bổ sung nguồn điện nguyên tử hạt nhân với công suất đạt khoảng từ 6.000 - 6.400MW, dự kiến vận hành vào giai đoạn 2030 - 2035.
Theo PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu tăng trưởng đặt ra ở mức hai con số, kéo theo nhu cầu điện năng tăng gấp 1,5 lần, tương đương mức tăng từ 12% đến 16% mỗi năm. Đây là thách thức rất lớn, nếu không có giải pháp kịp thời phát triển nguồn điện, đặc biệt là điện sạch và bền vững, nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2026 - 2028 hoàn toàn có thể xảy ra.
Các chuyên gia nhận định mặc dù nhiều chính sách đã được ban hành, nhưng các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vẫn gặp khó khăn. Quy trình đầu tư phức tạp, giá điện chưa hấp dẫn, và các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi vốn lớn, công nghệ phức tạp, thời gian triển khai kéo dài. Ngoài ra, sự thiếu hụt quy định thị trường đối với các nguồn điện linh hoạt và tích trữ năng lượng cũng là một thách thức.
Với nguồn điện khí LNG, bên cạnh các quy định hiện có tại Nghị định số 56/2025/NĐ-CP mới ban hành, nhà đầu tư vẫn đang mong sẽ có thêm các điều kiện hấp dẫn để tăng tốc triển khai dự án. Trong khi đó, các dự án điện hạt nhân dù đã có cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết và hoàn thiện các thực thể quản lý.
Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025.
Bảo đảm an toàn tài chính và chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư
Trong bối cảnh này, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế chính sách về năng lượng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các mục tiêu đã đề ra. Quốc hội và Chính phủ đang hết sức nỗ lực, chỉ đạo khẩn trương thực hiện điều này, trong đó, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang được tham vấn và tích cực hoàn thiện để thông qua nhằm thể chế hóa chủ trương phát triển điện hạt nhân, đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn đề xuất sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để giảm áp lực đầu tư vào nguồn và lưới điện, đồng thời giảm cường độ tiêu thụ điện. Cần ban hành quy định về giá điện linh hoạt, khung giá mua - bán điện với thủy điện tích năng và hệ thống pin lưu trữ. Ngoài ra, cần giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong thủ tục đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt trong giai đoạn hưởng FIT và chậm FIT, nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Để giảm gánh nặng đàm phán giá điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có thể áp dụng cơ chế FIT linh hoạt theo từng vùng miền và rút ngắn thời gian hưởng FIT.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông, chúng ta phải huy động lượng vốn lớn từ thị trường vốn và các tổ chức tài chính quốc tế để đầu tư cho ngành điện nên cần bảo đảm an toàn tài chính và chia sẻ rủi ro với các định chế tài chính quốc tế. Nếu không có quy định rõ ràng về vấn đề này, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Ông Đông cũng nhấn mạnh, nhà nước cần bảo đảm khả năng chuyển đổi ngoại tệ, đặc biệt khi thị trường ngoại tệ khan hiếm, để các nhà đầu tư tiếp tục có nguồn vốn cho các dự án thiết yếu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.
Vũ Quang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nhanh-chong-hoan-thien-co-che-chinh-sach-ve-nang-luong-post408924.html