Thảo luận về Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy

Thảo luận về Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy
3 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phòng, chống ma túy đến năm 2030; góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Luật Hóa chất (sửa đổi). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy chủ trì buổi thảo luận.
Tham dự buổi thảo luận có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang và Nghệ An.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Góp ý với chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phòng, chống ma túy đến năm 2030, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, chương trình là thông điệp mạnh mẽ đấu tranh đẩy lùi tệ nạn ma túy hiện nay. Về nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện chương trình, Quảng Ngãi, tuy là tỉnh có điều tiết về trung ương, nhưng chủ yếu là nguồn thu từ Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định nguyên tắc hỗ trợ ngân sách trung ương cho địa phương như theo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Vì ngân sách địa phương còn rất khó khăn, khó để đảm bảo cân đối thực hiện chương trình.
Ủy viên Thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An trao đổi tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Thảo luận về dự thảo Luật Quảng cáo, Ủy viên Thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An cho rằng, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là hết sức cần thiết. Việc này nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, cải cách triệt để thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo được trình lần này không chỉ khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo (2012) mà còn thực hiện cải cách thủ tục hành chính triệt để, phân cấp, phân quyền tối đa theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10; đồng thời, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng nhằm tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng,...
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi Vũ Thị Liên Hương nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Trao đổi về Luật Hóa chất, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi Vũ Thị Liên Hương cho rằng, hóa chất đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như trong phát triển các ngành sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Tuy nhiên, với mức độ phổ biến rộng khắp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường thì hóa chất cần được quy định và quản lý chặt chẽ. Luật Hóa chất cần được sửa đổi để đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy phát biểu kết luận tại phiên thảo luận. Ảnh: V.TÂN
Phát biểu kết luận tại phiên thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy cho rằng, nhìn chung các đại biểu trong tổ đều tán thành thông qua tờ trình đầu tư Chương trình MTQG phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Đồng thời cho rằng, Chương trình MTQG phòng, chống ma túy đến năm 2030 là vấn đề rất thiết thực.
Do đó, cần đánh giá hiệu quả Chương trình giai đoạn 2020 - 2025 để xem xét khắc phục các hạn chế khi thực hiện Chương trình MTQG trong giai đoạn mới. Trong đó, cần lồng ghép, thống nhất giữa các chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG phòng chống ma túy với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đối với nguyên tắc phân bổ vốn, xin cung cấp thêm thông tin Quảng Ngãi là một trong 18 tỉnh có điều tiết về trung ương, nhưng chủ yếu thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Do vậy mong các đại biểu và Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương quan tâm ủng hộ quan điểm như đại biểu Sương là đề nghị có cơ chế đặc thù cho tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Hai tỉnh tuy có đóng góp ngân sách về trung ương, nhưng 2 tỉnh còn nhiều khó khăn nên cần trung ương quan tâm bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ cho địa phương thực hiện các Chương trình MTQG.
Trung ương cần quan tâm tăng cường đầu tư lực lượng phòng, chống ma túy để kiềm chế nguồn cung từ bên ngoài vào Việt Nam cũng như đấu tranh, triệt phá các nguồn cung trong nước. Các mục tiêu, chỉ tiêu đưa ra cần rà soát lại để đảm bảo tính khả thi của chương trình.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Luật Hóa chất, cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế, nhất là không chồng chéo với các luật liên quan. Các ý kiến của đại biểu sẽ được tổng hợp chuyển đến cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh các dự thảo luật, nghị quyết.
PV
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/thoi-su/202411/thao-luan-ve-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phong-chong-ma-tuy-34e039a/